Tầm quan trọng của phương pháp học ngoại ngữ hướng giao tiếp ở bậc Phổ thông
Tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm, ngày thành lập Trường ĐH Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia HN, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã từng nói: “Học ngoại ngữ đòi hỏi tính ứng dụng rất cao. Nếu học xong lại không giao tiếp được, không chủ động được trong hoạt động đối ngoại thì là thất bại trong đào tạo”.
Cho tới thời điểm hiện tại, nhận định trên vẫn còn nguyên tính thời sự. Câu hỏi “Làm sao để nâng cao năng lực, khả năng giao tiếp của học viên khi học ngoại ngữ?” là câu hỏi thường trực không chỉ của học viên, mà còn là của các trường học, các trung tâm đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam.
Để hướng tới một sự đột phá, đạt được mục tiêu như Đề án 2020 đề ra, có lẽ, chúng ta cần một cú hích, cần một tác động tổng thể, mang tính hệ thống, nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng học tập ngoại ngữ của học viên.
Cần một cú hích
Đang trong giai đoạn phát triển và hội nhập, Việt Nam quan tâm chú trọng tới việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó ngoại ngữ là một trong những yếu tố ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, một phần có thể do ảnh hưởng nét văn hóa, phong tục Á Đông, người Việt Nam chịu ảnh hưởng của phương pháp giáo dục mang đậm nét “truyền thụ”, thụ động tiếp nhận kiến thức từ thầy/cô giáo. Việc tương tác hai chiều thường hạn chế, do vậy, điều này gián tiếp ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp khi học tập ngoại ngữ.
Về bản chất, ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp giữa con người với con người. Chúng ta có thể giao tiếp bằng nhiều phương pháp khác nhau như: hành động, ánh mắt, dấu hiệu,…nhưng đơn giản và hiệu quả nhất vẫn là ngôn ngữ. Mục đích cuối cùng của việc học ngôn ngữ là để tư duy và giao tiếp. Việc hướng giao tiếp, lấy giao tiếp làm trung tâm thì việc dạy và học mới bớt nhàm chán và có kết quả tốt.
Cùng với sự phát triển của xã hội và phương pháp giảng dạy, người Việt nói chung và học sinh Việt Nam nói riêng đang dần cởi mở hơn trong giao tiếp. Tuy nhiên, để hướng tới một sự đột phá, đạt được mục tiêu như Đề án 2020 đề ra, có lẽ, chúng ta cần một cú hích, cần một tác động tổng thể, mang tính hệ thống, nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng học tập ngoại ngữ của học viên.
Có nghĩa là, chúng ta không chỉ thụ động trông chờ vào việc thay đổi hành vi và phương pháp giảng dạy và học tập của giáo viên và học viên một cách tự phát, mà chúng ta cần chủ động tạo ra điều này, nhằm thúc đẩy tối đa sự tương tác giữa giáo viên và học viên. Về căn bản, điều này là hoàn toàn khả thi thông qua việc điều chỉnh, tối ưu hóa các yếu tố liên kết giữa giáo viên và học viên như: khung chương trình, giáo trình, tài liệu, phần mềm hỗ trợ, giáo cụ và phương pháp giảng dạy với định hướng lấy việc giao tiếp là trung tâm.
Thay vì quá đi sâu vào hệ thống ngôn ngữ, thuộc ngôn ngữ học, các giáo trình, tài liệu nên được định hướng theo chức năng của ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp. Sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, trình tự ngữ liệu phải được sắp xếp với các tình huống giao tiếp trong thực tế.
Học viên muốn giao tiếp tốt, điều kiện tiên quyết là có môi trường giao tiếp tốt, vì vậy, song song với việc sắp xếp ngữ liệu cho phù hợp, việc tạo ra các tình huống giao tiếp thật trong đời sống là vô cùng quan trọng. Học viên sẽ tiếp thu bài học nhẹ nhàng hơn, ghi nhớ từ vựng, cấu trúc câu, cách vận dụng sâu sắc hơn thông qua các hoạt động diễn ra hàng ngày với gia đình, bạn bè, thầy cô,…cũng như các sự kiện, hiện tượng tự nhiên diễn ra xung quanh.
Phương pháp giảng dạy đóng vai trò quyết định
Để phát huy tối đa hơn nữa hiệu quả giao tiếp, phương pháp giảng dạy cũng đóng một vài trò quyết định, đặc biệt ở bậc học phổ thông, sự hướng dẫn, tham gia của thầy cô giáo vẫn là một trong những yếu tố quan trọng trong việc truyền tải kiển thức, thúc đẩy sự tự tin và năng lực cá nhân học viên.
Nhận diện được tầm quan trọng của vấn đề, trong nhiều năm trở lại đây, trong thực tế giảng dạy và học tập, các trường học ở bậc Phổ thông, các trung tâm ngoại ngữ vẫn tìm kiếm những giải pháp, phương pháp giảng dạy đồng bộ, được chuẩn hóa nhằm phát triển toàn diện khả năng tiếp cận và học tập ngôn ngữ của học viên.
Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta vẫn chưa tìm ra một giải pháp trọn vẹn, cấu trúc chặt chẽ, phát triển toàn diện các kỹ năng và được áp dụng xuyên suốt các cấp học. Đây là một thách thức lớn không những cho các trường học, trung tâm đào tạo, mà cũng là nhiệm vụ mà ngành giáo dục cần phải có giải pháp tối ưu, đáp ứng tốt nhất mục tiêu của “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2008-2020”.
Nguồn: Báo điện tử Dân Trí