Cuộc thi Olympic “Tài năng tiếng Anh” cấp toàn quốc: Một sân chơi trí tuệ bổ ích
Trong hai ngày 27 và 28/3/2015, Cuộc thi Olympic “Tài năng tiếng Anh” cấp toàn quốc (OTE) lần II năm 2015 do Bộ GD-ĐT, Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Công ty CP Giáo dục Đại Trường Phát và Trường ĐH Tân Tạo tổ chức đã đồng loạt diễn ra tại 3 tỉnh: Ninh Bình (dành cho các tỉnh/thành khu vực phía Bắc), Quảng Bình (các tỉnh/thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên) và Bà Rịa – Vũng Tàu (các tỉnh/thành khu vực phía Nam).
Năm nay cuộc thi thu hút gần 400 học sinh tiểu học, THCS và THPT thuộc 63 tỉnh/thành trên cả nước tham gia.
Đề thi “mở”, tư duy “mở”
Có thể nói, OTE lần thứ II đã trở thành sân chơi trí tuệ và tài năng của các em học sinh xuất sắc khi được thể hiện tất cả các kỹ năng quan trọng trong tiếng Anh: Nghe, nói, đọc viết. Các đề thi đều được Ban giám khảo (chuyên viên của Bộ GD-ĐT) nghiên cứu kỹ để giúp các em phát huy tối đa năng lực, sở trường của mình ở mỗi vòng.
Theo đó, các thí sinh đều phải trải qua 2 lượt thi với tên gọi “Vào cuộc” và “Trải nghiệm” với những đề tài được xây dựng theo hình thức nghe, nhìn để đoán chủ đề và trả lời câu hỏi tình huống phù hợp với nội dung chương trình học. Những thí sinh có điểm cao ở phần thi này mới được vào vòng chung kết với tên gọi “Khẳng định mình”.
Và đúng như tên gọi ở vòng chung kết, các thí sinh được bốc thăm chủ đề và trình bày suy nghĩ, phản biện những câu hỏi chất vấn từ Ban giám khảo để khẳng định mình. Đa số thí sinh đều rất tự tin khi thể hiện ở vòng thi này. Em Trần Thái Đình Khương (lớp 11A3 Trường THPT Long Xuyên, tỉnh An Giang), cho biết: “Em rất thích thú với các đề tài được đưa ra trong cuộc thi. Đề tài của em ở vòng thi thuyết trình là giới thiệu về địa phương, trong đó phải chỉ ra hướng phát triển địa phương theo suy nghĩ của mình. Thông qua bài thi này, em đã giới thiệu về những điểm du lịch, những sản vật ở An Giang, nêu ra những thuận lợi và khó khăn mà địa phương em đang gặp phải”. Đánh giá về trình độ giữa các thí sinh, Đình Khương cho rằng các thí sinh dự thi đều ngang tài ngang sức. “Mỗi bạn đều có những lợi thế riêng của mình. Có bạn có chất giọng “thuần” tiếng Anh, nghe rất thích; có bạn lại có thần thái rất tự tin, trình bày ý tưởng rất phong phú. Em cũng thử… làm giám khảo và cảm thấy rất bối rối khi không biết phải chấm điểm cho bạn nào cao nhất”, Đình Khương nói.
Trong khi đó, em Phạm Phương Chi (lớp 11 chuyên Anh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) cho biết: “Có khá nhiều đề tài hấp dẫn được Ban giám khảo đưa ra đòi hỏi thí sinh không chỉ có vốn sống, kinh nghiệm tích lũy mà còn cần phải có tư duy “mở” để thuyết trình và giải đáp câu hỏi của Ban giám khảo. Em thấy nhiều bạn trình bày về các vấn đề bảo vệ môi trường, gia tăng dân số, sự thay đổi của thời đại công nghệ… rất hay. Một số bạn dù ở tỉnh xa nhưng hùng biện rất tự tin và nổi bật, rất đáng ngưỡng mộ”.
Cú “hích” cho các tỉnh vùng sâu
Nói về đề thi năm nay, ông Nguyễn Song Hùng (chuyên viên Bộ GD & ĐT) cho biết: “Cấu trúc bài thi Olympic tiếng Anh có nhiều câu hỏi mang nặng tính giao tiếp, chủ yếu sử dụng các phương tiện nghe nhìn để góp phần tạo môi trường sử dụng tiếng Anh cho các em. Đề thi được ra theo hướng giúp học sinh nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh, để các em không chỉ sử dụng thành thạo về mặt ngữ âm, từ vựng mà cả phương diện kỹ năng nghe nói đọc viết như một công cụ giao tiếp hoàn chỉnh”.
Đánh giá về cuộc thi năm nay, ông Hùng cho rằng kết quả phản ánh đúng thực lực của thí sinh. So với trước đây, cuộc thi lần này lớn mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng. “Ở khu vực phía Nam, chúng tôi ghi nhận sự nổi trội của Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương. Bên cạnh đó là sự “trỗi dậy” bất ngờ của các tỉnh miền Tây như Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, An Giang. Nhưng điều làm chúng tôi bất ngờ hơn cả là các thí sinh ở Sóc Trăng, một tỉnh được coi là khó khăn trong vấn đề dạy và học tiếng Việt. Các em đã thể hiện rất tốt ở 2 lượt thi đầu và cả khi vào vòng chung kết”, ông Hùng nhận xét.
Không chỉ riêng khu vực phía Nam, khu vực phía Bắc và miền Trung – Tây Nguyên cũng ghi nhận sự nỗ lực của thầy và trò các tỉnh vùng xa trong việc thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh như Kon Tum, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Bình… khi rất nhiều em được vào vòng chung kết và đạt giải cao ở kỳ thi năm nay. Hơn thế nữa, đây là dịp để các em học sinh được tiếp xúc, học hỏi các bạn; còn giáo viên được trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn tiếng Anh.
(Nguồn: Báo Giáo dục TP.Hồ Chí Minh)